#Chiêm nghiệm: Chuẩn bị tốt nghiệp đại học rồi, tôi nhận được gì ở Đại Học?
Hôm nay là 7 tháng 4 năm 2024, và chưa đầy 72 giờ nữa là tôi được nhận chiếc bằng cư nhân đại học ngành Kinh Tế và Tài Chính. Tôi muốn ngồi xuống và nhìn lại trải nghiệm đại học của mình, vì đây là một hành trình mang lại cho tôi nhiều kỉ niệm. Hy vọng những những chiêm nghiệm của bản thân tôi sẽ mang lại một góc nhìn khác trong việc phát triển bản thân, cụ thể là cho các bạn sinh viên.
Năm Nhất - Lăn xả
Như đã chia sẻ ở những bài blog trước, tôi đã rất muốn đi học đại học từ năm lớp 10. Vì thế, đại học đối với tôi không phải là lên lớp rồi về nhà mà đây là nơi tôi muốn được học và làm nhiều nhất có thể. Nhờ vậy, tôi rất may mắn khi được mở rộng được tập trải nghiệm của bản thân, và đây cũng là điều tôi thấy rất giá trị khi nhìn lại.
Ở RMIT, tôi may mắn được kết bạn với thầy cô, anh chị, các bạn và các em, được học hỏi được những điều mà tôi hoàn toàn mù tịt. Từ lúc còn không biết ra trường làm gì, tôi đã có nhận thức rõ ràng hơn trong đi học tài chính thì gồm những công việc gì, lộ trình phát triển thế nào. Hay được các anh chị rủ đi thi trong trường, được trải nghiệm để biết một cuộc thi là như thế nào, may mắn nhận được giải. Sau này, việc nhận được giải giúp tôi có thể vượt qua được vòng CV khi nộp vào quỹ.
Trên hết, tôi được quyền thử và thất bại với một cái giá rất phải chăng. Như khi mới bước vào trường, dựa vào track record từ hồi cấp 3, tôi đã tự tin vào khả năng quản lí đội nhóm của mình, để rồi mình biết được khả năng của mình nó tệ như thế nào. Hay tôi đã từng tự tin vào khả năng xử được nhiều việc cùng một lúc. Đỉnh điểm, tôi đã làm song song 4 dự án lớn nhưng cuối cùng chả có cái nào “ra hồn”. Và thế là tôi bị “lọt hố” vào cuối Năm nhất.
Đến bây giờ, tôi luôn cảm thấy may mắn, biết ơn và tự hào về thành tích “lọt hố” của mình; vì nó chỉ cho tôi 2 lựa chọn, ở lại hoặc trèo lên. Đó là một khoảng thời gian chẳng dễ chịu gì, nó như một vòng xoáy vậy, liên tục cuốn tâm trí vào những điều không tích cực. Nhưng lúc đó, tôi quyết tâm phải trèo lên, tôi tìm kiếm nhiều cách khác nhau mà tôi có thể. Quan trọng nhất, việc “lọt hố” bắt tôi phải nhìn lại bản thân một cách sâu sắc về những giá trị nhân sinh quan, nhờ đó, đã tạo lập nên vision cá nhân của tôi: “I want to work to give back to the community” (tôi muốn đi làm để đem lại những giá trị cho cộng đồng).
Năm nhất để lại cho tôi nhiều kỉ niệm, và cũng là một cột mốc quan trọng đánh giúp tôi thấu hiểu bản thân mình nhiều hơn, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của tôi trong những năm tiếp theo. Việc trải qua nhiều thất bại đã khiến tôi giảm đi cái tôi, là một yếu tố quan trọng giúp tôi có thể liên tục học hỏi được đa dạng góc nhìn.
Từ Năm 2 đến tốt nghiệp
Năm 2 đánh dấu cho việc theo đuổi vision cá nhân của tôi, qua việc tìm kiếm những phương thức khác nhau để có thể thực hiện hoá tầm nhìn. Ở thời điểm đó, tôi tin rằng công việc VC là phương tiện tốt tối ưu, nên tôi quyết định theo đuổi nghề này. Và việc đi học, à không, việc đến trường không còn giúp tôi cảm nhận được đây là nơi tối ưu để phát triển những năng lực và giá trị cần thiết để có thể làm công việc VC này. Lúc đó, với tôi, nơi phù hợp nhất để học về nghề chính là đi thực tập ở VC. Vào 27 Tết, tôi ngồi rải CV của mình và may mắn được nhận vào.
Việc đi thực tập với tôi, như từ trong một cái giếng nhỏ được trải nghiệm cái giếng lớn hơn. Mặc dù rất áp lực không biết khi nào bị đuổi, nên việc ở lại văn phòng đến tận khuya để cố gắng làm cho đủ ổn, nhưng tôi cảm thấy rất “sướng” với những thứ mình học được. Từ một đứa chăm chỉ đi học, xem thư viện là ngôi nhà thứ 2; tôi dần không đến lớp nữa, mà dành nhiều thời gian cho công việc hơn; và đó cũng là lúc tôi chia sẻ với gia đình: “Con muốn nghỉ đại học”. Tất nhiên là gia đình phản đối rất nhiều ý tưởng này, thậm chí má còn bắt tôi nghỉ làm; nên bây giờ tôi mới được tốt nghiệp.
Thêm nữa, khoảng thời gian này cũng là lúc tôi nhìn nhận rõ hơn giá trị của việc đạt điểm cao hay giành được giải thưởng trong các cuộc thi, để rồi nhận ra đâu là mới là yếu tố quan trọng mà một bạn sinh viên cần phải nỗ lực và phấn đấu. Và những suy nghĩ của tôi được gói gọn trong bài viết này. Đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy bản thân vẫn không thể ngừng dấn sâu hơn, phải học nhiều và nhanh hơn để có thể nâng cao giá trị trong công việc VC của mình.
Vì thế, đa phần những kỉ niệm của tôi với đại học là những đêm muộn ngồi học lại bài mà mình đã “cúp học”, quên ngủ để vừa chạy kịp deadline của bài và đảm bảo tiến độ công việc (may mắn rằng 2 quỹ mà tôi làm việc ủng hộ và tạo nhiều điều kiện cho việc học của tôi; rất cảm ơn các sếp).
Cuộc sống của tôi lúc này khá đơn giản: Thức dậy - Đi làm - Làm bài - Đi ngủ; những ngày nghỉ tôi thường tranh thủ chạy deadline trên trường. Routine này tiếp diễn đến khi tôi còn 1 học kì cuối. Mặc dù thấy có gì đó sai sai, nhưng phải đến khi đọc cuốn sách: “How Will You Measure Your life” được viết bởi bác Clayton. M Christensen, Chapter 7: The Ticking Clock tôi mới nhận thấy được việc phân bổ thời gian của mình chưa phù hợp - Đặc biệt thiếu thời gian dành cho gia đình. Từ ngày đó, tôi tạo ra FDay: Ngoại trừ việc bất khả kháng, tôi sẽ cố gắng dành 1 ngày trọn vẹn ngày thứ 7 cho gia đình và nói không với công việc.
Nhìn lại
Gia đình, đặc biệt là Ba với Má là động lực lớn nhất mà tôi có thể tiếp tục hoàn thành được chương trình đại học. Má tôi vẫn cứ luôn hỏi mỗi lần tôi xin thôi học: “Nếu con không có bằng đại học thì có nơi nào chịu nhận con không?”. Dù không biết liệu có nơi nào sẽ chấp nhận, nhưng tôi tin rằng ở mọi nơi, giá trị mà tôi mang lại mới là yếu tố cốt lõi để tôi tiếp tục được đồng hành cùng.
Nếu được miêu tả bản thân, đơn giản tôi là một cậu bé luôn đói. Ngoài việc ăn rất nhiều, vì tôi thích ăn. Sự tò mò luôn làm tôi cảm thấy đói kiến thức và trải nghiệm, chính sự ám ảnh khiến tôi luôn muốn ăn nhiều nhất có thể. Sự tò mò và ám ảnh như một vòng lặp, luôn thúc đẩy bắt tôi phải lột và cắt nhỏ từng lớp một trái hành tây; mặc dù cay mắt nhưng tôi lại tìm được niềm vui. Vì thế, giá trị của việc đi học Đại học không nằm ở tấm bằng, mà là môi trường lý tưởng mà nó mang lại: (1) Tạo điều kiện để tôi có thể lăn xả cùng những người bạn và (2) Cho phép tôi được thử và không phạt nặng khi tôi thất bại. Thẳng thắng mà nói, tôi chưa nghĩ ra nơi nào bạn có những điều kiện lý tưởng cho cơn “đói” của mình như thế này.
Tôi rất biết ơn và cảm thấy may mắn vì tôi được vào môi trường này và có được nhiều trải nghiệm đa dạng. Còn giờ thì count down đến ngày tốt nghiệp 10 tháng 4 2024 thôi!
Để nhận được bài viết sớm nhất, anh chị hãy subscribe trang blog bằng email của em nhé (trong trường hợp email của trang blog nằm trong hộp thư “Spam”, hãy chuyển qua hộp thư “Inbox”).