#Góc nhìn: What if I do a pitch deck
2 năm về trước, lúc ấy tôi chỉ mới chập chừng vào nghề được 1 năm cũng như là khoảng thời gian đầu viết blog. Tôi đã chia sẻ một bài blog về việc xây dựng pitch deck. Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được câu hỏi của founder về chủ đề này.
Vì vậy, sau khoảng 3 năm (và vẫn còn rất non nớt), tôi nghĩ mình cần phải cập nhật lại chủ đề này. Sẽ ra sao nếu tôi làm startup và tự làm một chiếc deck để đi gọi vốn VC? Tôi xin phép chia sẻ câu trả lời của mình ở phiên bản năm 2024.
Vai trò của pitch deck
Trước hết, tôi xin mượn lại 1 đoạn ngắn của bài blog cũ để có thể làm rõ hơn vai trò của chiếc pitch deck:
Tôi muốn làm rõ 1 khái niệm: Bạn sẽ không nhận được tiền đầu tư nếu chỉ có 1 pitch deck tốt, nhưng bạn sẽ mất đi cơ hội nhận đầu tư với 1 chiếc deck “tồi”. Chắc các bạn sẽ nghe nhiều lý do khác nhau của các VC tại sao lại đầu tư một startup, nhưng có lẽ 1 chiếc pitch deck tốt chưa bao giờ là một lý do cốt lõi cả. Pitch deck thật chất chỉ là một công cụ giao tiếp bước đầu giữa founder và nhà đầu tư. Nhưng sẽ thật tệ nếu nhà đầu tư không “hứng thú” sau khi đọc xong pitch deck phải không? Và... bạn sẽ đánh mất cơ hội cho 1 buổi gặp đầu tiên.
Khi đặt góc nhìn deck là công cụ giao tiếp, vậy thì một câu hỏi lớn cần phải giải quyết là: Làm thế nào để có thể tối ưu hoá công cụ giao tiếp này?
Một khi có một chiếc pitch deck đủ tối ưu (theo góc nhìn của tôi), nó có thể giúp bạn giảm thiểu được việc phải giải thích những thứ cơ bản với nhà đầu tư (nếu họ đã đọc pitch deck trước buổi họp). Với đầu tư ở giai đoạn sớm, vì có quá ít những điểm chạm với startup founder; nên tôi thấy một vài quỹ có thể cân nhắc pitch deck là một yếu tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định đầu tư của mình.
Nếu tôi làm pitch deck
Khi bắt tay vào làm pitch deck, việc đầu tiên tôi làm là trả lời câu hỏi:
Bạn muốn kể câu chuyện gì?
hay Bạn muốn mang lại giá trị nào cho khách hàng/ người dùng?
Lưu ý rằng, “câu chuyện” ở đây phải song song với vision và mission của startup; là mục đích mà bạn chấp nhận đánh đổi nhiều cơ hội khác nhau để chỉ theo đuổi cơ hội này.
Một khi đã xác định xong được câu chuyện (hay là key message), tôi sẽ dùng 3 đại ý sau để làm nổi bật luận điểm chính. Tất cả thông tin bạn đưa vào deck cần phải làm thế nào để trả lời câu hỏi ở dưới được thuyết phục nhất.
Founding team:
Tại sao đây là đội ngũ có khả năng cao sẽ trở thành market leader?
Market - Thị trường:
Why Now? (Tạm dịch: Tại sao phải là bây giờ?)
Why would it be very attractive in the future? (Tạm dịch: Tại sao nó sẽ rất lớn trong tương lai?)
Giải pháp, khả năng thực thi, và chiến lược phát triển
Bạn sẽ quyết vấn đề như thế nào và cho ai?
Mô hình kinh doanh là gì?
Khách hàng của mình là ai?
Làm thế nào bạn có thể outserve (hay mang lại những giá trị tốt hơn) cho khách hàng/ người dùng? (Mọi người còn hay gọi là Unique Selling Point)
Mình (đã), đang và sẽ phân phối sản phẩm của mình như thế nào?
Tại sao đó kênh phân phối phù hợp và giúp bạn có thể mở rộng trong tương lai?
Nếu bạn đã ra thị trường và có được tractions nhất định, bạn có thể cân nhắc chia sẻ thêm những chỉ số phù hợp giúp câu trả lời bạn có trọng lượng hơn.
What is your strategic expansion plan to provide more value to your customers/ users and create a MOAT in the long term?
(Tạm dịch: Kế hoạch mở rộng một cách chiến lược của bạn là gì để mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng/người dùng của bạn và tạo MOAT về lâu dài?)
Tôi có một niềm tin rằng, nếu bạn có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho nhiều khách hàng hơn, từ đó quy mô của startup cũng có thể được mở rộng và giá trị của startup cũng sẽ được nâng cao.
Cuối cùng, bạn có thể kết lại pitch deck bằng slide fundraising. Ở đó, bạn có thể cân nhắc chia sẻ về kế hoạch gọi vốn của bạn cũng như những cột mốc quan trọng mà startup dự kiến có thể đạt được trong một mốc thời gian cụ thể.
Lời kết
Cấu trúc trên được tôi đúc kết từ những buổi gặp của tôi với các founder. Tôi nhận ra rằng, với những buổi họp mà pitch deck đã có câu trả lời cho những câu hỏi trên (và tôi luôn đọc và chuẩn bị trước buổi họp). Founder và tôi thường có những buổi họp hiệu quả hơn vì chúng tôi có thể dành nhiều thời gian ý nghĩa cho những vấn đề trọng tâm và cốt lõi khi đã có cùng 1 góc nhìn ở những yếu tố cơ bản.
Cảm ơn anh chị đã đọc bài blog hôm nay và mong rằng nó sẽ mang lại giá trị nào đó cho anh chị.
Let’s stay focused and keep pushing 🔥
Để nhận được bài viết sớm nhất, anh chị hãy subscribe trang blog bằng email của em nhé (trong trường hợp email của trang blog nằm trong hộp thư “Spam”, hãy chuyển qua hộp thư “Inbox”).